Ấn Độ – Thị trường xuất khẩu tiềm năng của thép Việt

(NDH) Hãng sản xuất thép hàng đầu Nhật Bản, Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp, đánh giá Ấn Độ sẽ là thị trường tiêu thụ thép triển vọng nhất thế giới dù vẫn có nhiều vấn đề liên quan tới thương mại.
Nhu cầu thép của Ấn Độ sẽ tăng trưởng mạnh

Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) dự đoán, nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm của Ấn Độ sẽ tăng 5,5% lên 92 triệu tấn trong năm 2018 và tăng tiếp 6% lên 97,5 triệu tấn trong năm 2019. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Chính phủ Ấn Độ dự kiến nâng công suất lên 300 triệu tấn, gấp 3 lần sản lượng hiện tại của Nhật Bản, đến năm 2030, Nikkei Asian Review cho biết.

Theo số liệu của WSA, sản lượng thép thô tháng 7 của Ấn Độ tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 9 triệu tấn. Tính chung 7 tháng đầu năm, nước này sản xuất được khoảng 61,8 triệu tấn thép thô, tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Theo đó, Liên đoàn những người sử dụng thép Ấn Độ (SUFI) tuyên bố rằng: “Đến năm 2018 – 2019, Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản để trở thành nước sản xuất thép thô lớn thứ hai thế giới”. Và đây cũng sẽ là thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong số 10 quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, WSA dự đoán.

Theo Nikkei, sản lượng thép của nước này đã lên kỷ lục nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa mới và hàng hóa tiêu dùng. Sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô cũng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép tại đây. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ cũng đẩy mạnh chiến dịch ”Người Ấn Độ mua hàng Ấn Độ”, trong đó nhấn mạnh đến việc cần phải mua thép sản xuất ở trong nước, thay vì nhập khẩu từ nước ngoài.

“Ấn Độ sẽ là thị trường thép tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc xuất khẩu vào thị trường này không hề dễ dàng do một số vấn đề liên quan đến thương mại và phân phối”, Reuters trích lời của Phó Chủ tịch Katsuhiro Miyamoto của Nippon Steel.

Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ đã đặt ra một số rào cản thương mại nhằm ngăn chặn một số quốc gia, như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, bán phá giá thép và các sản phẩm thép tại thị trường nội địa. Cụ thể, Ấn Độ quyết định áp thuế 20% đối với một số sản phẩm thép phẳng cán nóng vào tháng 9/2015. Đến tháng 2/2016, nước này áp giá trần đối với các sản phẩm thép nhập khẩu.

Thép thành phẩm của Việt Nam “hút hàng” tại Ấn Độ

Xuất khẩu sắt thép và sản phẩm từ sắt thép sang Ấn Độ có xu hướng tăng mạnh so với năm 2017, nhưng thị phần của nước này hiện chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng xuất khẩu các mặt hàng đó của Việt Nam.

Đối với sắt thép các loại, Việt Nam xuất khẩu được 23.630 tấn sang Ấn Độ trong tháng 7, với trị giá đạt gần 19,95 triệu USD, lần lượt tăng 9,2% về khối lượng và 19,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm, sắt thép xuất khẩu sang thị trường này tăng 3,2% lên 77.499 tấn và tăng 13,9% lên khoảng 67,94 triệu USD.

Đối với các sản phẩm từ sắt thép, xuất khẩu sang Ấn Độ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên lần lượt đạt 24,84 triệu USD và 119,46 triệu USD trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm.

Là nước sản xuất thép thô lớn thứ ba thế giới nhưng Ấn Độ có nhu cầu lớn về thép thành phẩm để sử dụng trong lĩnh vực xây dựng, chế tạo ô tô,… Minh chứng là quốc gia này đang có xu hướng giảm nhập sắt thép các loại nhưng mua mạnh các sản phẩm thành phẩm từ Việt Nam.

Cụ thể, xét về mặt hàng sắt thép các loại, Ấn Độ chiếm thị phần 2,27% trong tổng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay, giảm từ mức 3,09% của cùng kỳ năm 2017. Ngược lại, thị phần của nước này trong tổng xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép lại tăng mạnh từ 2,61% của 7 tháng đầu năm ngoái lên 7,08% của cùng kỳ năm nay.

Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng này, Ấn Độ lại dựng lên nhiều rào cản thương mại. Với Việt Nam, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ đầu tháng 8 đã quyết định điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép không gỉ.

Phía nguyên đơn cáo buộc các nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam đã được nhận khoản trợ cấp có thể đối kháng (ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, ưu đãi khoản vay, hỗ trợ xuất khẩu…) từ chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước các cấp của Việt Nam, gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Ấn Độ. Các sản phẩm bị điều tra mang mã HS: 73061100; 73062100; 73064000; 73066100 và 73066900. Hiện tại, vụ việc vẫn đang được điều tra.
Nguồn: ndh