Với việc tăng tỷ trọng doanh thu từ lĩnh vực thương mại thép, chi trả cổ tức khá cao và việc thực hiện đầu tư bất động sản thay vì đầu tư nâng công suất sản xuất thép, Ống thép Việt Đức đã nhường lại cuộc đua đầu tư nâng công suất sản xuất thép cho các đối thủ đầu ngành và đang có sự chuyển hướng để đóng một vai trò là một nhà phân phối thép lớn, tương tự như CTCP Thương mại Thái Hưng.
Lĩnh vực thương mại ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu
Được thành lập từ 2002, Công ty Ống thép Việt Đức VG PIPE đặt đại bản doanh nhà máy tại Khu Công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Công ty hiện có 2 lĩnh vực hoạt động chính: (1) lĩnh vực sản xuất thép và (2) lĩnh vực thương mại thép. Ở mảng sản xuất, lĩnh vực chủ lực của Công ty là sản xuất ống thép. Năm 2017, Công ty là nhà sản xuất ống thép lớn thứ 4 thị trường với 7,5% thị phần, đứng sau các công ty như Ống thép Hòa Phát (26,4% thị phần), Tập đoàn Hoa Sen (17,6% thị phần) và Minh Ngọc (9,3% thị phần). Bên cạnh đó, Công ty còn sản xuất tôn cán nguội và ống thép cỡ lớn thông qua công ty con là CTCP Thép Việt Đức, và sản xuất thép xây dựng cán nóng thông qua công ty liên kết là CTCP Sản xuất thép Việt Đức.
Như bảng số liệu đã chỉ ra, trong những năm gần đây, lĩnh vực thương mại thép ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Lĩnh vực thương mại năm 2017 đóng góp 2.800 tỷ đồng doanh thu, chiếm 47% tổng doanh thu hợp nhất của công ty, tăng mạnh so với mức 39% của năm 2016 hay 42% năm 2015. Tại thời điểm Quý I/2018, doanh thu từ lĩnh vực thương mại tiếp tục tăng tỷ trọng lên mức 49% tổng doanh thu của Công ty. Điều này cho thấy, Công ty đang chuyển hướng sang đẩy mạnh việc tăng trưởng doanh thu dựa vào lĩnh vực thương mại thép.
Công ty đầu tư mới vào dự án bất động sản thay vì đầu tư nâng công suất sản xuất thép
Ở thời điểm hiện tại, 3 dự án đầu tư mới của Công ty Ống thép Việt Đức là các dự án bất động sản, bao gồm (1) Dự án khu đô thị mới tại Mê Linh, (2) Hạ tầng lô đất CC4 Khu đô thị mới Vân Canh, (3) Nhà biệt thự BT5 Splendora. Việc đầu tư vào bất động sản cho thấy định hướng của việc sử dụng tích lũy vốn từ ngành thép để đa dạng hóa kinh doanh sang lĩnh vực mới. Đi kèm với việc đầu tư sang lĩnh vực bất động sản thay vì đầu tư nâng công suất sản xuất thép, Công ty cũng duy trì thực hiện chính sách chi trả cổ tức tiền mặt hàng năm ở mức khá cao trong giai đoạn 2016 – 2017.
Với những công ty xác định tập trung đầu tư mạnh cho sản xuất thép như Tập đoàn Hòa Phát hay Tập đoàn Hoa Sen, chính sách cổ tức của những công ty này thường là trả cổ tức với tỷ lệ thấp hoặc chuyển sang trả cổ tức bằng cổ phiếu để giữ lại lợi nhuận tái đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thép cũng thường chỉ đa dạng hóa sang đầu tư bất động sản khi quy mô vốn đã ở mức độ lớn và đã xác lập được vị thế mạnh trên thị trường thép.
Trong điều kiện Ống thép Việt Đức có vốn chủ sở hữu ở mức độ còn hạn chế (so với các Tập đoàn như Hòa Phát hay Hoa Sen), vị thế còn hạn chế trên thị trường thép, việc Công ty thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt khá cao và đầu tư vào lĩnh vực mới là bất động sản, cho thấy định hướng chiến lược là duy trì quy mô sản xuất ở công suất hiện tại, tăng tỷ trọng hoạt động thương mại để trở thành nhà phân phối thép lớn, trên cơ sở đó, thặng dư vốn và khả năng vay nợ sẽ được sử dụng cho các hoạt động đầu tư mới đó là bất động sản.
Logic chiến lược ở đây đó là, với tiềm lực vốn chủ sở hữu hiện tại của Công ty là 589 tỷ đồng là khá hạn chế so với các Tập đoàn sản xuất thép như Hòa Phát hay Hoa Sen, sẽ rất khó để đảm bảo nguồn lực tài chính mạnh cho cuộc chạy đua đầu tư nâng công suất sản xuất thép, nhất là trong bối cảnh Công ty có thị trường chủ lực cạnh tranh trực tiếp với Tập đoàn Hòa Phát tại thị trường miền Bắc.
Hiện nay ở cả 3 lĩnh vực sản xuất của Công ty là sản xuất ống thép, tôn thép và thép xây dựng, công ty đều đang có thị phần khá thấp nếu so với top 3 công ty đầu ngành. Chính vì vậy, việc đầu tư nâng công suất để giành thêm thị phần đáng kể sẽ đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn và khá rủi ro, không chắc đã đạt được thành công khi những công ty đầu ngành như Hòa Phát hay Hoa Sen đã xác lập được vị thế vững chắc, có chi phí thấp hơn và có kênh phân phối mạnh hơn nhiều so với Ống thép Việt Đức.
Tuy nhiên, tiềm lực vốn chủ sở hữu hiện tại của Công ty lại rất phù hợp cho định hướng phát triển trở thành nhà phân phối thép lớn, tương tự như CTCP Thương mại Thái Hưng (vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng) hay CTCP Đầu tư Thương mại SMC (vốn chủ sở hữu 1.209 tỷ đồng). Với tiềm lực tài chính hiện tại và tích lũy lợi nhuận từ lĩnh vực sản xuất thép, Công ty có thể phát triển lĩnh vực thương mại thép để trở thành một nhà phân phối thép lớn và cạnh tranh trực tiếp với những nhà phân phối thép lớn ở thị trường miền Bắc như CTCP Thương mại Thái Hưng.
Trên thị trường sản xuất ống thép, với việc Ống thép Việt Đức không có động thái đầu tư nâng công suất sản xuất, nhường lại cuộc chạy đua đầu tư nâng công suất cho các nhà sản xuất ống thép lớn, thị trường ống thép đang từng bước thiết lập cấu trúc ngành về trạng thái ổn định theo thế chân vạc. Hai công ty chiếm giữ vị trí đầu ngành khá vững chắc đó là, CTCP Ống thép Hòa Phát của Tập đoàn Hòa Phát (26,4% thị phần năm 2017) ở vị trí số 1 trong ngành, vị trí thứ hai là Tập đoàn Hoa Sen (17,6% thị phần năm 2017). Ẩn số duy nhất cho suất còn lại trong “tam cường” có lẽ là cuộc chạy đua đầu tư giữa Công ty Minh Ngọc (9,3% thị phần năm 2017) và Công ty SeAH Việt Nam (Công ty con của SeAH Hàn Quốc, với 7,5% thị phần 2017).
Nguồn : Trí Thức trẻ