Mùa mưa bão ảnh hưởng tiêu thụ, bán hàng thép giảm 15% trong tháng 6

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), mặc dù hoạt động sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong tháng 6 tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, so với tháng 5 lại giảm.

Bán hàng, sản xuất thép đồng loạt giảm trong tháng 6

Sản xuất các sản phẩm thép tháng 6 đạt hơn 2 triệu tấn, giảm 1,25% so với tháng trước, nhưng tăng 28,4% so với cùng kỳ 2017.

Bán hàng các sản phẩm thép đạt gần 1,8 triệu tấn, giảm 15% so với tháng trước, nhưng tăng 28,6% so với tháng 6/2017.

Nguồn: VSA
Trong đó, sản lượng thép xây dựng tháng 6 đạt 806.252 tấn, giảm 5,13% so với tháng trước nhưng tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2017. Bán hàng thép xây dựng đạt 778.146 tấn, giảm 25,6% so với tháng 5, nhưng tăng 4% so với tháng 6/2017. Tồn kho đến thời điểm 30/6 là 538.917 tấn.

“Đây là mức tồn kho trung bình để gối đầu cho tiêu thụ các tháng tiếp theo”, VSA nhận định.

Tương tự, đối với sản xuất ống thép giảm 7% so với tháng 5 xuống 216.279 tấn nhưng so với tháng 6/2017 tăng 12,9%. Bán hàng đạt 218.971 tấn, giảm 4% so với tháng 5, nhưng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng sản lượng và tiêu thụ thép cuộn cán nguội trong tháng 6 tăng so với tháng 5 và tháng 6/2017. Theo đó, sản xuất thép cuộn cán nguội tháng 6 đạt 358.764 tấn, tăng 8,69% so với tháng 5 và tăng 12,3% so với cùng kỳ. Bán hàng đạt 185.496 tấn, tăng 2,3% so với tháng 5 và tăng 23,1% cùng kỳ.

Giải thích việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong tháng 6 giảm, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA cho rằng: “Do sản lượng và tiêu thụ thép trong tháng 5 tăng đột biến, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Do vậy, so với nền cao từ tháng 5, sản lượng và tiêu thụ tháng 6 giảm nhẹ cũng là điều bình thường”.

Ông Sưa cũng cho biết thêm, mùa mưa bão đến gần nên hoạt động xây dựng dân dụng bị cản trở, ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ thép trong những tháng sắp tới. Tuy nhiên, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc công trình xây dựng của các công ty lớn sẽ vẫn tiếp tục hoạt động bình thường do họ đã triển khai từ nhiều tháng trước.

Tỷ trọng thép nhập khẩu từ Trung Quốc giảm dần

Tính đến hết ngày 31/5, xuất khẩu thép thành phẩm đạt hơn 2,36 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 1,76 tỷ USD, tăng 41,8% về lượng, và tăng 57,7% về giá trị.

ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu hơn 1,34 triệu tấn thép, chiếm tới gần 57% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Tiếp đến là các thị trường Hoa Kỳ (15,57%), EU (10,7%), Hàn Quốc (4,43%), Đài Loan (3,25%).

Nguồn: VSA
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu thép thành phẩm đạt hơn 5,68 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu là 4,06 tỷ USD, giảm 16,8% về lượng, nhưng tăng 1,9% về giá trị.

Trong 5 tháng đầu năm, nhập khẩu thép từ Trung Quốc đạt gần 2,6 triệu tấn, giảm 21,8% về lượng nhưng chỉ giảm 0,7% về trị giá so với cùng kỳ 2017. Tiếp đến là Nhật Bản (15,88%), Hàn Quốc (13,07%), Đài Loan (11,54%), Ấn Độ (4,98%).

Nguồn: VSA
Ông Sưa cho hay, tỷ trọng thép Trung Quốc trong tổng lượng thép nhập khẩu của Việt Nam cũng giảm dần từ mức 60% năm 2016 giảm xuống 40% năm 2017 và dự đoán giảm xuống còn 38% trong năm nay.

Theo VSA, thị trường thép toàn cầu tiếp tục được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xung đột thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc và các hậu quả đang diễn ra và những phát sinh từ các khoản thuế Mục 232 tiếp tục bao quanh thị trường thép toàn cầu. Tác động của thuế nhập khẩu 25% của Mỹ và các biện pháp bảo vệ môi trường đang diễn ra ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo Ủy ban châu Âu, các biện pháp trả đũa đối với các sản phẩm của Mỹ nhằm đáp trả thuế thép và nhôm của Mỹ có hiệu lực vào ngày 22/6.

Mặc dù vậy VSA vẫn lạc quan triển vọng ngắn hạn của thị trường thép dài toàn cầu dự kiến sẽ ổn định do chưa chắc các biện pháp thuế thép vẫn tồn tại.
Nguồn tin: Vietnambiz