Thiết kế nhà ống, những điều cần tuyệt đối lưu ý để phòng cháy nổ

Thời gian gần đây liên tiếp xảy như những vụ cháy nguy hiểm gây thương vong cho nhiều người dân tại những ngôi nhà ống bịt kín không lối thoát.
Theo các chuyên gia phòng cháy chữa cháy (PCCC), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn, tuy nhiên yếu tố lớn nhất vẫn là sự chủ quan và thiếu ý thức của con người đối với công tác PCCC. Những vụ cháy ở nhà dân gần đây nhất tại Hà Nội cho thấy, hầu hết những ngôi nhà xây dạng ống luôn tiềm ẩn nguy cơ cao, khiến nạn nhân tử vong khi đang ngủ trong nhà vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn.

Mới đây nhất, một vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra tại phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào rạng sáng ngày 19/7, khiến 2 người tử vong. Trước đó, vào 2h30 rạng sáng ngày 13/7, tại một ngôi nhà 4 tầng (thuộc ngõ 205, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đã xảy ra một vụ hỏa hoạn khiến 4 người trong 1 gia đình tử vong (gồm 2 vợ chồng và 2 người con).

Một vụ cháy nghiêm trọng khác cũng từng xảy ra tại TPHCM là vào ngày 16/12/2016 tại căn nhà nhỏ trong hẻm 453 đường Lê Văn Sỹ (P12, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh). 10 xe cứ hỏa cùng hàng chục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tiếp cận ngôi nhà từ nhiều hướng, dập tắt lửa. Tuy nhiên, do ngọn lửa quá lớn đã thiêu rụi toàn bộ căn nhà và khiến 6 người trong một gia đình tử vong.

Đau lòng là trong những vụ cháy khủng khiếp này, nhiều cư dân quanh nhà nạn nhân đã bất lực trước việc cứu người ra khỏi khói lửa bởi cửa chính ngôi nhà bị nhiều lớp cửa khóa chặt, toàn bộ mặt tiền các tầng trên được hàn khung lồng thép kiên cố khiến người ở ngoài không thể nào vào bên trong để cứu người.

Toàn bộ mặt tiền các tầng trên của ngôi nhà được hàn khung lồng thép kiên cố khiến công tác cứu hỏa gặp khó khăn.
Đã có những cảnh báo về tình trạng tùy tiện lắp đặt lồng sắt, bịt kín mặt tiền của các ngôi nhà, tự triệt tiêu phương án thoát nạn khẩn cấp khi xảy ra sự cố cháy nổ, và thực tế hàng loạt vụ hỏa hoạn với thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nhưng dường như không ít người dân vẫn thiếu sự cẩn trọng trước “giặc lửa”, chủ quan trước việc chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổ.

Phát biểu trên báo chí, PGS-TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH PCCC (Bộ Công an) khuyến cáo người dân sống tại các nhà ống ở thành thị nên chủ động mở các lối thoát hiểm ở ban công, không nên bịt kín. Các gia đình nên lắp đặt các thiết bị báo cháy trong nhà để phát hiện vụ cháy sớm nhất, bởi đa phần các vụ cháy vào ban đêm, người dân chỉ phát hiện ra khi thấy hơi nóng và khói bốc lên phòng ngủ.

Ông Xiêm cũng lưu ý, các nhà dân liền kề nên bàn bạc với nhau để tạo ra các lối thoát hiểm thông thoáng ở ban công từ nhà này sang nhà khác, đề phòng trường hợp xảy ra hỏa hoạn, có thể trợ giúp nhau.

Cùng quan điểm với ông Xiêm, các chuyên gia cũng cho rằng người dân sinh sống trong nhà ống tại các thành phố cũng cần lưu ý đến quá trình thiết kế các công trình dân sinh. Dù là nhà ở hay cửa hàng đều phải có cửa thoát nạn, nếu có điều kiện thì có cửa ở cả hai đầu nhà là tốt nhất, còn lại đa số các nhà chỉ có một phía trước thì cửa phải thiết kế thế nào để người trong nhà có thể mở thoát ra nhanh nhất.

Với những ngôi nhà ống thì nên có ban công thoát hiểm (lớn hay nhỏ tùy theo điều kiện của mỗi nhà) và lắp cửa chống cháy lối ra ban công để ngăn lửa và khói từ trong nhà ra ban công, có thể cả cửa từ cầu thang vào các phòng cũng lắp cửa chống cháy.

Tuyệt đối không làm lồng sắt bao kín nhà.
Tuyệt đối không làm lồng sắt bao kín nhà, nếu phải làm lồng sắt chống trộm thì hãy làm thế nào trộm không vào được nhưng người trong nhà thoát ra dễ dàng (làm khung giả hoặc cánh cửa có khóa). Hệ thống điện phải được lắp đặt có thiết kế phù hợp công suất cho từng tầng, từng khu vực, từng cụm thiết bị riêng biệt, khi không dùng là tắt điện. Không để các thiết bị nạp điện qua đêm. Thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng hệ thống điện, nếu thiết bị điện nào thấy không bình thường thì phải kiểm tra, sửa chữa thay thế ngay…

Nếu trong nhà chẳng may bị cháy, mọi người phải hết sức bình tĩnh tìm cách thoát hiểm. Trong trường hợp, nếu ngọn lửa đang cháy ở tầng dưới khói bốc mạnh ở cầu thang thì không được chạy xuống qua cầu thang, không chạy vào buồng kín, không chạy vào nhà vệ sinh (đặc biệt là nhà vệ sinh ở cạnh cầu thang) mà phải ra ban công nơi có dưỡng khí, đóng chặt cửa chống cháy ngăn ban công với trong nhà.
Nguồn : Theo Trí Thức Trẻ